Niệu quản là những ống dài ( 25 – 30cm ) và nhỏ dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang. Niệu quản có 3 chỗ hẹp sinh lý: chỗ nối bể thận – niệu quản, đoạn niệu quản bắt chéo động mạch chậu và đoạn niệu quản đổ vào bàng quang, lỗ niệu quản.
Hẹp niệu quản bệnh lý có thể do các bệnh mắc phải: sau can thiệp ngoại khoa vào niệu quản, các khối u chèn vào niệu quản… hay do các bệnh bẩm sinh: hẹp chỗ nối bể thận niệu quản, túi sa niệu quản…

CÁC DẤU HIỆU VÀ TRIỆU CHỨNG
Các đặc điểm lâm sàng có thể khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gây tắc nghẽn niệu quản. Một số dấu hiệu và triệu chứng thông thường bao gồm:
- Đau thắt lưng, cơn đau quặn thận.
- Rối loạn tiểu tiện: Tiểu máu, tiểu ít, tiểu đục…
- Sốt
- Suy thận
NGUYÊN NHẬN HẸP NIỆU QUẢN
Các nguyên nhân gây tắc nghẽn niệu quản có thể bên trong niệu quản hoặc bên ngoài.
Bên trong niệu quản:
- Sỏi niệu quản
- Cục máu đông có thể gây cản trở niệu quản và biểu hiện với tiểu máu. Chảy máu trong những trường hợp này có thể là do các khối u hoặc sỏi thận.
- Khối u trong lòng niệu quản có thể là lành tính hay ác tính.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Sau can thiệp ngoại khoa ở niệu quản.
Bên ngoài niệu quản
- tình trạng viêm của cơ quan hoặc các cấu trúc nằm xung quanh niệu quản.
- Các khối u buồng trứng, tử cung, tuyến tiền liệt hoặc bàng quang, đặc biệt là các u lympho hoặc sarcoma.
- Lạc nội mạc tử cung.
- Mang thai: tử cung lớn chèn ép vào niệu quản. Điều này có thể ảnh hưởng đến cả 2 niệu quản cùng lúc.
- Táo bón nặng.
ĐIỀU TRỊ
Phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ tắc nghẽn của niệu quản. Giải quyết nguyên nhân bên ngoài hoặc xử lí bên trong niệu quản.
Mức độ vừa và nhẹ: nội soi niệu quản, nong rộng đoạn hẹp và đặt xông JJ.

Mức độ nặng: phẫu thuật nội soi tạo hình niệu quản, lấy sỏi, cắt u…

BIẾN CHỨNG HẸP NIỆU QUẢN
– Nếu không được điều trị kịp thời, thận sẽ mất dần chức năng.
– Lắng đọng tạo sỏi niệu quản, sỏi thận.
– Nhiễm trùng tiết niệu, ứ nước, ứ mủ thận…
– Teo thận
– Tăng huyết áp…