Nội tiết tố nam liên quan đến sinh sản

Posted by: DrTung Comments: 0

Sự sinh sản của mọi loài sinh vật, kể cả con người, đều nhằm mục đích duy trì nòi giống. Các chức năng của cơ quan sinh dục ở cả nam giới và nữ giới đều được điều hòa và kiểm soát thông qua hệ thống trao đổi nội tiết. Trọng tâm của hệ thống sinh sản nam là tinh hoàn với hai chức năng nội tiết và sản sinh tinh trùng. Các chức năng tinh hoàn được gắn với một hệ thống kiểm soát phức tạp, bao gồm chức năng của hệ thần kinh trung ương, vùng dưới đồi, tuyến yên và bản thân tinh hoàn mà chủ yếu là trục dưới đồi – tuyến yên – tinh hoàn. Các cơ quan tham gia vào quá trình điều hòa này đều nằm trong mối tương tác qua lại dưới dạng kích thích hoặc ức chế. Hệ thống trục vùng dưới đồi – tuyến yên – tinh hoàn được đánh dấu bởi một mối liên kết chặt chẽ, gắn bó của nhiều vòng điều hòa khác nhau.

  1. Vùng dưới đồi

Vùng dưới đồi là một phần của não giữa và tạo thành nền của não thất ba, xuyên vào phễu vùng dưới đồi và cùng với mỏm phễu hình thành nên tuyến yên nội tiết.

Vùng nhân: Vùng nhân quan trọng nhất ở vùng dưới đồi là nhân trên thị và nhân cạnh não thất. Các neuron của nhân này chạy vào tuyến yên thần kinh. Các tế bào thần kinh có khả năng đặc biệt để tổng hợp và vận chuyển oxytocin, vasopressin và các protein vận chuyển chúng (neurophysin). Nhân cung có ý nghĩa lớn nhất trong việc tổng hợp và chế tiết GnRH (Gonadotropin releasing hormone).

Trung tâm điều hòa: Từ các nhân này, các tế bào thần kinh có hoạt tính chế tiết sẽ đi vào vùng có hệ thống động mạch cửa của tuyến yên, tạo nên hệ thống thần kinh mạch máu của thùy trước tuyến yên. Các neuropeptid được giải phóng theo một con đường ngắn nhất đến tuyến yên nội tiết. Tại đó, sau khi gắn với các thụ thể đặc hiệu sẽ điều hòa chức năng tuyến yên. Nhiệm vụ chủ yếu của các nhân vùng dưới đồi là sự kết hợp giữa hệ thần kinh thực vật và điều khiển nội tiết, trong đó có cả quá trình điều hòa chung chuyển hóa chất và sinh sản.

Như vậy, vùng dưới đồi là một trung tâm điều phối giữa hệ thống trao đổi thông tin thần kinh và thể dịch.

Các neuropeptid được giải phóng ra từ vùng dưới đồi được xếp vào loại các nội tiết tố do đặc điểm tác động của chúng (releasing hormone – RH). Có các loại sau: TRH (Thyreotropin releasing hormone), CRH (corticotrophin releasing hormone), GnRH (gonadotropin releasing hormone) và GHRH (growth hormone releasing hormone).

Điều hòa chế tiết prolactin là một ngoại lệ, chủ yếu diễn ra dưới tác động ức chế của dopamin từ vùng dưới đồi.

GnRH: có vai trò rất quan trọng đối với sự sinh sản. Phân tử decapeptid này không những chỉ được sản xuất từ các neuron của vùng dưới đồi mà còn được tạo thành từ buồng trứng, tuyến yên, tuyến vú và rau thai. Ý nghĩa sinh học của GnRH ở các cơ quan ngoài vùng dưới đồi hiện nay vẫn chưa được biết rõ. Các chất tương tự GnRH (GnRH analogue) như các chất đồng vận GnRH và các chất đối vận GnRH đã được ứng dụng rộng rãi trong điều trị các khối u phụ thuộc hormone và trong các rối loạn nội tiết. Các chất tương tự GnRH cũng đã được sử dụng trên lâm sàng trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt, dậy thì sớm, lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung, ung thư vú và trong khuôn khổ các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

Dưới tác động của sự chế tiết dạng xung GnRH từ vùng dưới đồi, tuyến yên được kích thích tổng hợp và chế tiết các hormone LH (luteinizing hormone) và FSH (follicle stimulating hormone). Ở nam giới trưởng thành, khoảng cách giữa các xung là 90-120 phút. Cách thức chế tiết dưới dạng xung là một cách thức điều hòa nội tiết rất hiệu quả. Qua thay đổi biên độ cũng như tần suất của xung, sự chế tiết hormone sẽ được điều chỉnh.

  1. Tuyến yên
    • Các thùy của tuyến yên

Về mặt hình thái và chức năng, tuyến yên có liên hệ chặt chẽ với não giữa. Nó được tạo thành từ tuyến yên thần kinh (thùy sau), cuống tuyến yên và tuyến yên nội tiết (thùy trước). Thùy sau tuyến yên là một chỗ lồi ra của não giữa, có nguồn gốc ngoại bì thần kinh và có chức năng chế tiết thần kinh. Thùy trước tuyến yên được phát triển từ hầu tuyến yên – túi Rathke và được mô tả như là một tuyến nội tiết do các chất chế tiết của nó có chức năng kích thích hoạt động của tuyến giáp, tuyến thượng thận và buồng trứng.

  • Các sản phẩm chế tiết của thùy trước tuyến yên
    • Hormone hướng sinh dục:

Các hormone hướng sinh dục LH và FSH thuộc loại glycoprotein, được tạo thành từ hai tiểu đơn vị là chuỗi không đặc hiệu α (giống nhau ở cả LH và FSH) và chuỗi đặc hiệu β. Sau khi gắn kết với các thụ thể màng đặc hiệu chứa G-protein, chúng sẽ có tác dụng sinh học và điều khiển các chức năng của tinh hoàn.

Sự chế tiết hormone hướng sinh dục của tuyến yên diễn ra theo chu kỳ, độc lập với các kích thích của vùng dưới đồi nhưng lại được điều hòa bởi các hormone của tinh hoàn thông qua các cơ chế feedback âm tính. Testosterone và các chất chuyển hóa hoạt tính của nó là estradiol và dihydrotestosterone (DHT) ức chế cả tần suất và/hoặc biên độ phóng xung GnRH và tương tự, chúng cũng có tác động ức chế lên sự chế tiết LH và FSH của tuyến yên. Một chất ức chế chế tiết FSH hữu hiệu trên lâm sàng khác là inhibin B, một tiền hormone được sản xuất tại các tế bào Sertoli trong các ống sinh tinh.

FSH tác động thông qua các thụ thể FSH đặc hiệu trên bề mặt các tế bào Sertoli và nhờ đó, nó kích thích sự sản sinh tinh trùng. Bên cạnh các thụ thể của FSH, tế bào Sertoli còn có thụ thể của androgen. Các thụ thể của androgen này cũng có thể được tìm thấy  trên các tế bào quanh ống sinh tinh. Tác dụng chung giữa FSH và testosterone là cần thiết cho số lượng và chất lượng quá trình sinh tinh bình thường.

  • Prolactin

Prolactin là một nội tiết tố có rất nhiều chức năng sinh học. Prolactin có vai trò rất quan trọng trong điều hòa cân bằng thẩm thấu, ở động vật lưỡng thê trong sự biến hình, ở động vật có vú và con người trong sự hình thành tuyến sữa và chế tiết sữa. Đối với tất cả các động vật, prolactin có ý nghĩa quan trọng trong lĩnh vực sinh sản. Sự chế tiết prolactin liên quan chặt chẽ với giấc ngủ, ở mức cực đại khi ngủ sâu. Ngoài tuyến yên, prolactin còn được sản xuất tại nhau thai và đặc biệt là từ nội mạc tử cung đã được màng rụng hóa, từ đó nó sẽ vào nước ối. Prolactin cũng có một vai trò nhất định trong hệ thống miễn dịch.

  1. Tinh hoàn

Tinh hoàn là một tuyến sinh dục nam với hai chức năng chính: tuyến sinh sản ra tinh trùng và tuyến tiết ra nội tiết tố nam testosterone kích thích phát triển giới tính nam.

Tinh hoàn là một cơ quan “đôi”. Hai tinh hoàn cùng các phần phụ (mào tinh hoàn, một phần ống dẫn tinh,…) nằm gọn trong hai khoang của bìu.

Mỗi tinh hoàn có hình bầu dục, nặng khoảng 20-30 gram, kích thước trung bình: dài 4 cm, rộng 2,5 cm, dày 2 cm, được treo trong bìu bởi dây thừng tinh và đầu dưới được cố định vào bìu bởi dây chằng mào tinh hoàn.

Bọc ngoài tinh hoàn (trừ mào tinh và thừng tinh) là màng tinh hoàn, bản chất là phúc tinh mạc gồm lá thành và lá tạng, có màu trắng xanh, mặt nhẵn, sờ thấy căng và mềm, có cảm giác đau đặc biệt.

Ở dưới lá tạng, mỗi một tinh hoàn còn được bọc bởi một vỏ xơ gọi là “màng trắng”. Ở mặt sau trên của tinh hoàn, màng trắng dày lên tạo thành một khối xơ gọi là thể Highmore.

Tinh hoàn gồm nhiều thùy (khoảng 400 thùy) ngăn cách nhau bằng những vách xơ từ màng trắng tiến vào và quy tụ về thể Highmore.

Trong mỗi thùy có 2-4 ống sinh tinh uốn lượn dài từ 30-150 cm. Những ống của cùng một tiểu thùy tập hợp vào một ống thẳng tiến vào thể Highmore. Tiếp với ống thẳng là một hệ thống ống nối với nhau thành một lưới gọi là lưới Henlé nằm trong thể Highmore.

Xen giữa các ống sinh tinh là mô liên kết thưa chứa mạch máu, dây thần kinh và những tế bào Leydig. Tế bào Leydig là tế bào nội tiết đặc biệt (còn gọi là tế bào kẽ của tinh hoàn) sản sinh ra nội tiết tố testosterone dưới tác động của LH từ tuyến yên.

Sự sinh tổng hợp testosterone là chức năng nội tiết quan trọng nhất của tinh hoàn. Ngoài ra, tế bào Sertoli của tinh hoàn còn tiết ra inhibin có tác dụng điều hòa sinh sản tinh trùng thông qua cơ chế tác dụng điều hòa ngược với FSH.

TESTOSTERONE VÀ HÀNH VI TÌNH DỤC NAM GIỚI

  1. Testosterone và tầm quan trọng của testosterone

Testosterone là nội tiết tố sinh dục nam giới (androgen) rất quan trọng. Trong cơ thể nam giới, 95% lượng testosterone được sản xuất từ tinh hoàn, dưới 5% được sản xuất từ tuyến thượng thận. Một thanh niên trưởng thành tiết khoảng 4-10mg testosterone/ ngày. Ở nữ giới, một số ít testosterone cũng được bài tiết bởi tuyến thượng thận và buồng trứng.

Trong mỗi tinh hoàn, khoảng giữa các ống sinh tinh được lấp đầy bởi các tế bào liên kết Leydig, chúng chứa đầy hạt mỡ giàu cholesterol được chuyển thành testosterone qua một chuỗi phản ứng hoá học.

Testosterone được chuyển vào máu để kích thích sự phát triển xương, cơ, làm cơ quan sinh dục, tinh hoàn và hoạt động tình dục phát triển. Testosterone cũng chi phối chức năng phát triển đặc tính sinh dục thứ phát, thúc đẩy dậy thì và sản sinh tinh trùng.

Tác dụng của testosterone:

  • Duy trì hoạt động tính dục.
  • Phát triển cổ họng và tiếng nói trầm.
  • Phát triển dương vật, tinh hoàn, bìu.
  • Phát triển nếp nhăn da bìu.
  • Phát triển túi tinh và tiết dịch chứa nhiều đường fructose.
  • Phát triển tuyến tiền liệt.
  • Bài tiết dịch tuyến tiền liệt.
  • Kích thích sự sản sinh tinh trùng.
  • Duy trì chức năng cương và xuất tinh.
  • Liên kết đầu xương.
  • Duy trì khối cơ.

Testosterone  chuyển hoá trong tuyến tiền liệt và nang lông thành một nội tiết tố khác gọi là dihydrotestosterone (DHT) có tác dụng:

  • Phát triển râu, lông tay chân và nách
  • Duy trì lông mu kiểu nam.
  • Gây hói đầu kiểu nam.
  • Trứng cá.
  • Phì đại tuyến tiền liệt.

Sự chuyển hóa testosterone thành dihydrotestosterone diễn ra dưới tác động của men 5 alpha reductase. Nam giới thiếu men này là người mắc bệnh về gen, tinh hoàn vẫn có chức năng bình thường nhưng hình thể bề ngoài giống như nữ giới cho tới khi dậy thì, vì bộ phận sinh dục ngoài nhỏ và thô sơ giống như ở nữ. Khi dậy thì, dương vật giống như âm vật mới phát triển thành dương vật và lớp da (như môi nhỏ âm vật) mở rộng ra thành bìu và tinh hoàn di chuyển xuống.

Sự khiếm khuyết này hay xảy ra ở Dominica (Châu Phi) và người ta coi như bình thường khi thấy một số trẻ nữ lớn lên thành nam giới nhưng dương vật bé như ở tuổi 12.

Những nam giới này dường như không khó khăn khi thay đổi tâm lý tình dục mặc dù họ gần giống nữ và họ bắt đầu phát triển các đặc tính sinh dục nam muộn hơn trẻ nam bình thường. Đặc biệt, họ không có trứng cá, không bị hói đầu và tuyến tiền liệt không phát triển thành bệnh phì đại lành tính tuyến tiền liệt lúc trưởng thành và về già.

Điều này giúp cho các nhà nghiên cứu hiểu rằng chất dihydrotestosterone chứ không phải testosterone có tác dụng gây đầu hói và phì đại lành tính tuyến tiền liệt.

  1. Dậy thì

Dậy thì là giai đoạn giữa tuổi thiếu niên và thanh niên khi các đặc tính sinh dục thứ phát phát triển: cơ quan sinh dục trưởng thành và sự sinh sản bắt đầu có thể thực hiện. Tình cảm có thể thay đổi và biến đổi thể chất theo hướng trưởng thành hơn.

Ở nam giới, tuổi dậy thì khoảng 10-14 tuổi (mặc dù nhiều thay đổi nội tiết tố có thể xảy ra mà không phát hiện được trước tuổi này) và kết thúc ở tuổi 15-17. Ở nữ giới sớm hơn, từ 9-13 tuổi, khi biểu hiện rõ ràng là có kinh nguyệt lần đầu tiên. Ở nam giới, dậy thì biểu hiện ở lần xuất tinh đầu tiên. Lần xuất tinh đầu tiên thường xảy ra vào ban đêm nên còn gọi là mộng tinh. Đây không phải là biểu hiện sinh sản mà là một biểu hiện cho thấy tinh hoàn đã hoạt động cùng với túi tinh và tuyến tiền liệt bắt đầu chức năng bài tiết.

Các yếu tố thúc đẩy sự dậy thì chưa được biết đầy đủ. Có thể do tuyến dưới đồi không bị thần kinh ức chế ngăn cản hoạt động nên phóng thích nội tiết tố LHRH (luteinizing hormone-releasing hormone). Chất LHRH kích thích tuyến yên nằm ngay dưới tuyến dưới đồi, ở nền đại não, tiết ra 2 nội tiết tố sinh sản cơ bản, đó là FSH (follicle stimulating hormone) và LH (luteinizing hormone). FSH và LH vào máu và kích thích buồng trứng ở nữ và tinh hoàn ở nam. FSH kích thích sự sinh sản và phát triển của tinh trùng và LH kích thích sản sinh ra nội tiết tố testosterone.

Ở trẻ nam, đỉnh cao của tuổi dậy thì là khoảng 12-17 tuổi dưới tác dụng của testosterone và nội tiết tố phát triển GH (growth hormone) ảnh hưởng thực sự tới sự phát triển  cơ bắp và xương của cơ thể, vai rộng, khối mỡ của cơ thể giảm nên trẻ nam dậy thì có hình thể cường tráng, bớt mũm mĩm hơn giai đoạn trước dậy thì.

 

Sự phát triển của cơ quan sinh dục nam giới trải qua 5 giai đoạn sau:

Giai đoạn 1: Trước tuổi trưởng thành: Dương vật, tinh hoàn, bìu có kích thước hình dạng tương ứng như khi còn trẻ con.

Giai đoạn 2: Bìu và tinh hoàn to lên. Tinh hoàn trái thường nằm thấp hơn tinh hoàn phải, bìu bắt đầu thành hình túi, nhăn nheo và đỏ hồng hơn. Sự sinh tinh bắt đầu (10-13 tuổi).

Giai đoạn 3: Tinh hoàn và bìu lớn hơn, dương vật bắt đầu dài, rồi to hơn, bắt đầu có lông mu, lông mặt (ở má, trên môi – ria mép), lông bắt đầu mọc ở tay chân, bụng (11-14 tuổi).

Giai đoạn 4: Tinh hoàn và bìu tiếp tục phát triển. Bìu thẫm đen và nhăn nheo hơn, dương vật tiếp tục to và dài hơn, lông mu và lông cơ thể rậm hơn với lông mọc nhiều quanh gốc dương vật, sự phát triển dậy thì mạnh mẽ nhất (13-17 tuổi).

Giai đoạn 5: Trưởng thành với cơ quan sinh dục phát triển đầy đủ. Lông mu phát triển lên theo đường giữa bụng, râu phát triển dưới môi dưới và cằm (17-18 tuổi).

(Lứa tuổi được đề cập trong từng giai đoạn trên là tuổi trung bình mà các biểu hiện đầu tiên của từng giai đoạn xuất hiện).

Vỡ tiếng

Testosterone làm cho khoang thanh âm – hầu to ra, dây thanh âm dài hơn và dày hơn, làm cho giọng nói trầm xuống như giọng nói bị vỡ. Hiện tượng xảy ra từ từ vào khoảng 14 tuổi, do đó phần lớn trẻ em ít quan tâm. Một số trẻ có thể cảm thấy cổ họng như bị nghẹt trong vài tuần rồi tự hết kèm theo giọng nói ồm ồm nhưng đây là hiện tượng sinh lý bình thường không có gì phải lo lắng.

  1. Biểu hiện tình dục ở nam giới

Đối với nam giới, biểu hiện tình dục phụ thuộc vào nội tiết tố testosterone. Testosterone làm tăng hứng thú tình dục và gia tăng biểu hiện tình dục bẩm sinh vốn có của con người. Bổ sung testosterone cho người có tình dục khác giới sẽ làm tăng hứng thú cho đối tượng này và nếu điều trị testosterone cho người có tình dục đồng giới sẽ làm tăng hứng thú tình dục cho họ nhưng không thay đổi họ thành người có tình dục khác giới.

Trong một nghiên cứu trên 4.000 người Mỹ thấy rằng ở những ông chồng có nồng độ testosterone trong máu cao, có tới 43% người ly dị và 38% người có nhiều “quan hệ ngoài luồng”, tỷ lệ này cao hơn người có lượng testosterone thấp, có khoảng 50% người có lượng testosterone cao không đặt vấn đề hôn nhân lên trên hết.

Những người có testosterone thấp thường hiền lành, ít hoạt động hung hăng, thích lập gia đình và duy trì hôn nhân. Trái lại, những người có lượng testosterone cao thường là những nhà thể thao, diễn viên, có nghề nghiệp mạnh mang tính ganh đua.

Một số hoá chất có tính kháng lại hoạt tính của testosterone gọi là antiandrogen như cyproterone acetate hoặc medroxyprogesterone acetate có thể làm giảm hứng thú tình dục nam giới, làm giảm độ cương. Những thuốc này đôi khi được sử dụng điều trị những người có ham muốn tình dục quá mức.

Người bị thiến (cắt bỏ tinh hoàn) thường giảm hoạt động tình dục nhưng có thể không kéo dài nhiều năm. Một số trường hợp có thể không mất hết ham muốn tình dục vì vẫn có một số lượng testosterone từ tuyến thượng thận tiết ra.

Đối với nam giới mất khả năng tình dục, dương vật không cương được, có thể điều trị bổ sung testosterone để phục hồi khả năng hoạt động tình dục.

Thế nào là hoạt động tình dục bình thường

Theo nhiều nghiên cứu khác nhau, 40% cặp vợ chồng người Anh sinh hoạt tình dục nhiều hơn 3 lần/tuần, 35% sinh hoạt 1-2 lần/tuần, 15% sinh hoạt 2-3 lần/tháng, 9% cặp vợ chồng có số lần sinh hoạt tình dục ít hơn hoặc không sinh hoạt tình dục.

Nghiên cứu quốc gia ở Anh về đời sống tình dục năm 1994 thấy nam giới độ tuổi 25-34 tuổi sinh hoạt tình dục 5 lần/tháng, độ tuổi 55-59 sinh hoạt 2 lần/tháng.

Theo nghiên cứu Esquire (1992) trên 800 đàn ông thấy có 2% sinh hoạt tình dục ít nhất 1 lần/ngày, 11% sinh hoạt 4-6 lần/tuần. Phần lớn đàn ông sinh hoạt tình dục 2-3 lần/tuần, chỉ có 5% nam giới không có hoạt động tình dục.

Thời gian kéo dài quan hệ tình dục cũng có vai trò quan trọng. Nhiều nghiên cứu cho thấy 50% cặp vợ chồng sống với nhau dưới 3 năm có tần suất sinh hoạt tình dục quá 3 lần/tuần. Sau khi sống cùng nhau từ 4 năm trở đi, chỉ còn 25% cặp vợ chồng duy trì tần suất như trên.

Thuốc tăng cường khả năng tình dục

Một số thuốc gia tăng khả năng tình dục đã trở nên phổ biến theo thời gian. Sự phối hợp chất bột sừng con tê giác và chuối làm tăng độ cứng dương vật và khả năng sinh sản, tuy nhiên cần cẩn thận tác dụng phụ. Một số loại khác an toàn hơn như con hàu (oysters), champagne, sâm, loại sâm Siberi, quả mâm xôi,… cũng có thể tăng cường khả năng tình dục.

Mùi cơ thể (pheromones)

Pheromone là một chất hoá học dễ bay hơi được tiết ra một lượng rất nhỏ ở dầu của da, thường khó phát hiện nhưng có ảnh hưởng lớn tới tính cách của người. Mùi cơ thể được coi như một hấp dẫn tình dục gần đây được nghiên cứu trên những mảnh da được lấy ra trong chấn thương. Dịch cô đặc được thử nghiệm trên 40 người tình nguyện và được mô tả là rất hài lòng. Những người nhận mùi cơ thể đều tỏ ra thân thiện và vui vẻ. Dịch chiết xuất có thể được cho thêm vào trong nước thơm sau cạo râu và nước hoa mùi thơm của da trong tương lai gần.